Home Văn bản pháp luật Thông tư mới nhất về miễn giấy phép lao động: Thông tư 41/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương

Thông tư mới nhất về miễn giấy phép lao động: Thông tư 41/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương

BỘ CÔNG THƯƠNG
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 41/2014/TT-BCT

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2014

Thông tư mới nhất về miễn giấy phép lao động

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CĂN CỨ, THỦ TỤC XÁC ĐỊNH NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI DI CHUYỂN TRONG NỘI BỘ DOANH NGHIỆP THUỘC PHẠM VI MƯỜI MỘT NGÀNH DỊCH VỤ TRONG BIỂU CAM KẾT DỊCH VỤ CỦA VIỆT NAM VỚI TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI KHÔNG THUỘC DIỆN CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 102/2013/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định căn cứ, thủ tục xác định người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới không thuộc diện cấp giấy phép lao động như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về căn cứ, thủ tục xác định người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (sau đây gọi tắt là WTO) không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, người sử dụng lao động nước ngoài và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Hiện diện thương mại

Hiện diện thương mại quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 102/2013/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nghị định số 102/2013/NĐ-CP) bao gồm các hình thức:

a) Hợp đồng hợp tác kinh doanh;

b) Doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài;

c) Văn phòng đại diện, Chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài.

Chương II

CĂN CỨ, THỦ TỤC XÁC ĐỊNH NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI DI CHUYỂN TRONG NỘI BỘ DOANH NGHIỆP THUỘC PHẠM VI MƯỜI MỘT NGÀNH DỊCH VỤ TRONG BIỂU CAM KẾT DỊCH VỤ CỦA VIỆT NAM VỚI WTO

Điều 4. Căn cứ xác định người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với WTO không thuộc diện cấp giấy phép lao động

1. Căn cứ xác định người lao động nước ngoài là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với WTO không thuộc diện cấp giấy phép lao động quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 102/2013/NĐ-CP bao gồm:

a) Doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam;

b) Hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam hoạt động thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ thuộc Phụ lục I Thông tư này;

c) Người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng ít nhất 12 tháng trước khi được cử sang Việt Nam làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Căn cứ xác định người lao động nước ngoài là lao động kỹ thuật di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với WTO không thuộc diện cấp giấy phép lao động quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 102/2013/NĐ-CP bao gồm:

a) Doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam;

b) Hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam hoạt động thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ quy định tại Phụ lục II Thông tư này;

c) Người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng ít nhất 12 tháng trước khi được cử sang Việt Nam làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 5. Thủ tục xác định người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với WTO

1. Hồ sơ để chứng minh người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II Thông tư này không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 102/2013/NĐ-CP bao gồm:

a) Văn bản của doanh nghiệp nước ngoài cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam nêu rõ thời hạn làm việc của người lao động;

b) Văn bản xác nhận là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 102/2013/NĐ-CP và Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 03/2014/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 1 năm 2014 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 102/2013/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Thông tư số 03/2014/TT-BLĐTBXH);

c) Văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng ít nhất 12 tháng trước khi được cử sang Việt Nam làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 5 Thông tư số 03/2014/TT-BLĐTBXH.

Các giấy tờ quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này là một (01) bản chính hoặc một (01) bản sao, nếu bằng tiếng nước ngoài thì miễn hợp pháp hóa lãnh sự nhưng phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam;

d) Văn bản chứng minh hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam hoạt động trong phạm vi mười một ngành dịch vụ quy định tại Phụ lục I Thông tư này là một trong các giấy tờ sau: Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam (một (01) bản sao chứng thực).

2. Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với WTO thực hiện các thủ tục xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động quy định tại Điều 11 Thông tư số 03/2014/TT-BLĐTBXH.

3. Trong trường hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội gặp vướng mắc trong việc xác định người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II Thông tư này để làm cơ sở xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội gửi văn bản đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến theo Mẫu số 1 thuộc Phụ lục III Thông tư này (một (01) bản chính) kèm theo các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này (một (01) bản sao).

Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương có văn bản gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trong đó xác định rõ hoạt động của hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài thuộc hoặc không thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II của Thông tư này.

4. Trong trường hợp người sử dụng lao động không nhất trí với ý kiến của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong việc xác định người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II Thông tư này, người sử dụng lao động gửi văn bản đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến theo Mẫu số 2 Phụ lục III Thông tư này kèm theo các giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này (một (01) bản sao) và văn bản trả lời của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội gửi người sử dụng lao động (một (01) bản sao).

Trong vòng năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của người sử dụng lao động, Bộ Công Thương có văn bản gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và sao gửi người sử dụng lao động, trong đó xác định rõ hoạt động của hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam thuộc hoặc không thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II Thông tư này.

Căn cứ vào văn bản của Bộ Công Thương, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xem xét lại việc xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Trách nhiệm thi hành

1. Vụ Kế hoạch – Bộ Công Thương là đơn vị đầu mối giải quyết các vấn đề liên quan đến việc xác định người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với WTO quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II Thông tư này.

2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thực hiện việc xác định người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với WTO không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Bộ Công Thương để hướng dẫn, bổ sung kịp thời.

Điều 7. Chế độ báo cáo

Định kỳ sáu (06) tháng, trước ngày 15 tháng 01 và ngày 15 tháng 7 hàng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình người lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn quản lý theo quy định tại Điểm c Khoản 7 Điều 13 Thông tư số 03/2014/TT-BLĐTBXH, trong đó tại phần báo cáo về các đối tượng không thuộc diện cấp Giấy phép lao động tại (ô 20) và (ô 21), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải báo cáo rõ về đối tượng người lao động di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 12 năm 2014./.

 

Nơi nhận:
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Ban Kinh tế Trung ương;
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Tổng bí thư;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản);
– Kiểm toán Nhà nước;
– Công báo;
– Website Chính phủ;
– Website Bộ Công Thương;
– Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Lao động – Thương binh và Xã hội;
– Các Ban quản lý các KKT, KCN, KCX;
– Bộ Công Thương: Bộ trưởng; các Thứ trưởng;
– Các Tổng cục, Cục, Vụ và các đơn vị thuộc Bộ;
– Lưu: VT, PC, KH (15).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Đỗ Thắng Hải