(Cadn.com.vn) – 4 trường đại học “ma” của Mỹ vừa bị phát hiện tội tiếp tay cho nạn nhập cư trái phép, rửa tiền, giúp học sinh người Châu Á cư trú lâu dài tại Mỹ theo kiểu “pay-to-stay” (trả tiền để được lưu trú).
Trả tiền để được lưu trú
Theo Reuters, hôm 11-3, cảnh sát Liên bang Mỹ khám phá đường dây tiếp tay cho nạn nhập cư trái phép, rửa tiền, thu lợi bất chính nhờ dịch vụ giáo dục của 4 trường “ma” và bắt giữ 3 người điều hành 4 trường đại học dành cho sinh viên nước ngoài tại Nam California, chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Học sinh của các trường này “học mà không học”, không phải lên lớp, nhưng có visa hợp pháp cư trú tại Mỹ.
Theo Cơ quan điều tra an ninh Nội địa (HIS), 3 người vừa bị bắt gồm Hee Sun Shim, 51 tuổi, sống tại Beverly Hills; Hyung Chan Moon (còn gọi là Steve Moon), 39 tuổi, cư trú tại Los Angeles; và cựu sinh viên Eun Young Choi (còn gọi là Jamie Choi), 32 tuổi, sống ở Los Angeles. Hee Sun Shim là chủ sở hữu kiêm quản lý, bị buộc 21 tội danh liên quan lừa đảo, nhập cư và rửa tiền. Đặc biệt, nhóm người này sử dụng hồ sơ du học để bảo lãnh, tuyển sinh nhằm giúp những người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ dưới danh nghĩa sinh viên, thu hơn 6 triệu USD tiền học phí.
Theo bà Stephanie Yonekura, quyền Chưởng lý Mỹ, hành vi gian lận nhập cư thông qua hệ thống trường học này là hành vi lách luật khá tinh vi, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, nên gây thiệt hại lớn, gây mất niềm tin và nhiều hệ lụy khó lường khác. Những người này khai thác triệt để nhu cầu nhập cư của người Châu Á, đặc biệt là Hàn, Trung. Đây là vụ án nghiêm trọng bởi nó chống lại an ninh Mỹ qua những hành vi lừa đảo dễ qua mặt các cơ quan chức năng.
Trường “ma” nhưng tiền thật
3 trong số các trường ma đặt tại khu phố Koreatown ở Los Angeles, bang California gồm Trường ngôn ngữ Prodee University/Neo-America (PNS), Viện MD Walter Jay và Cao đẳng pháp lý (ACFS) do Hee Sun Shim điều hành. Cơ sở thứ 4 là trường Thời trang và công nghệ Likie (LFT).
Tất cả các cơ sở này đều có lớp học, có các khoa, ngành, cơ sở vật chất, phòng hành chính, cho đến thư viện, nhưng bị “bỏ hoang” từ lâu. Trong trích ngang của các cơ sở này được quảng cáo khá hấp dẫn như PNS có tỷ lệ tốt nghiệp 73% trong năm 2011 và 60% năm 2010. Tuy nhiên, cáo trạng buộc tội, các sinh viên thực tế không đến trường, không sống ở Los Angeles gần trường mà tạm trú ở một số bang xa khác như Texas, Nevada, Hawaii. Tổng số có khoảng 1.500 sinh viên Trung Quốc và Hàn Quốc tham gia đăng ký tại 4 cơ sở này.
Theo cáo trạng của tòa Los Angeles, 3 bị cáo trên dùng hệ thống thông tin riêng để liên lạc với sinh viên nước ngoài trước khi dự tuyển. Khi nhận hồ sơ sinh viên nước ngoài, các trường này đứng ra lo thị thực theo hình thức “pay-to-stay” vì vậy họ được ở lại Mỹ lâu dài.
Đây là cách lừa có chi phí thấp và hợp lý nên rất nhiều người bị mắc bẫy. Để được học tại các trường “ma” này, mỗi sinh viên nước ngoài phải nộp 1.800 USD học phí ghi danh. Ngoài ra, những người này còn hướng dẫn chi tiết việc khai thông tin gian lận trên mẫu Form I-20, giúp sinh viên hội tụ đủ tiêu chí sẽ được cấp thị thực F-1, có thể ở lâu dài tại Mỹ.
Cảnh báo về tình trạng gian lận thị thực nhập cư, nhiều nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng yêu cầu tăng cường quản lý giám sát các trường học lẫn sinh viên và dịch vụ du lịch sinh đẻ để lấy quốc tịch Mỹ cho con. Gần đây tại Mỹ, lực lượng an ninh kiểm tra đột xuất các trường ở George, Virginia, New Jersey và California, nơi được xem là cái “rốn gian lận nhập cư”.
Trước đó, nhiều trường của Mỹ dính vào vòng lao lý như vụ gian lận thị thực sinh viên ở Đại học Tri-Valley (TVU), Bắc California nhằm hợp pháp hóa việc ở lại Mỹ cho sinh viên nước ngoài, khiến hơn 1.000 sinh viên Ấn Độ bị lừa, bỏ rơi. Hiệu trưởng của TVU là Susan Su bị phạt tù năm 2013 vì tội “nuốt” hàng triệu USD học phí của người Ấn Độ.
Kim Hùng