Điều kiện cấp giấy phép lao động là gì? Bạn có thể tìm được câu trả lời tại điều 9, mục 3, Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 hoặc Điều 151 Bộ Luật Lao động 2019 và Nghị định 152/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên ý nghĩa và nội dung của từng điều kiện như thế nào. Chỉ đọc qua vài dòng có thể bạn chưa hiểu. Vì vậy, sau đây PNVT sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nội dung của từng điều kiện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Để được cấp giấy phép lao động tại Việt Nam, người nước ngoài cần phải đảm bảo các điều kiện dưới đây:
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là điều kiện cấp giấy phép lao động đầu tiên nhất
Theo Luật dân sự số 91/2015/QH13 của Quốc Hội ngày 24 tháng 11 năm 2015, thì năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Người có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam là người có từ đủ 18 tuổi trở lên trừ trường hợp:
- Bị mất năng lực hành vi dân sự (do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi, có cơ sở kết luận giám định pháp y là tâm thần) .
- Gặp khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (do tình trạng thể chất hoặc tinh thần ốm yếu mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự).
- Hạn chế năng lực hành vi dân sự (do nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác).
Những trường hợp người nước ngoài được xác định là bị mất năng lực hành vi, gặp khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và hạn chế năng lực hành vi dân sự thì sẽ không được cấp giấy phép lao động.
2. Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc là điều kiện cấp giấy phép lao động thứ 2
Theo nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16/1/2014 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao Động về việc làm thì trong hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động của người lao động phải có giấy chứng nhận sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.
Mặt khác, quyết định số 1613/BYT-QĐ của Bộ Trưởng Bộ Y tế ngày 15/8/1997 về việc ban hành “Tiêu chuẩn phân loại sức khỏe để khám tuyển, khám định kỳ” cho người lao động làm việc tại các tổ chức sản xuất kinh doanh của nhà nước, của tư nhân, các tổ chức liên kết liên doanh với người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Quyết định đưa ra 5 tiêu chuẩn sức khỏe về sức khỏe như sau:
Loại 1: Rất khỏe
Loại 2: Khỏe
Loại 3: Trung bình
Loại 4: Yếu
Loại 5: Rất yếu
Và tùy từng nghề nghiệp mà tiêu chuẩn về sức khỏe sẽ khác nhau. Chẳng hạn, đối với các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, điều khiển phương tiện vận tải thì phải đủ điều kiện sức khỏe loại 1, loại 2. Đối với lao động thể lực thì phải đảm bảo tiêu chuẩn sức khỏe từ loại 3 trở lên.
Tiêu chuẩn sức khỏe là một trong những điều kiện tuyển dụng và ký kết hợp đồng lao động. Do đó khi thực hiện các hợp đồng, tuyển dụng phải tuân thủ các tiêu chuẩn sức khỏe riêng của từng nghề, từng công việc do Bộ y tế quy định. Những người không đủ điều kiện về sức khỏe sẽ không được cấp giấy phép lao động.
3. Là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật (đây là điều kiện rõ ràng nhất mà trước đây chưa có)
Hiện nay, dân số Việt nam được xem xét ở thời điểm là dân số vàng, có nghĩa là số người ở trong độ tuổi lao động cao chiếm trên 60%. Tuy nhiên trình độ lao động và tay nghề của người lao động chưa cao, đặc biệt thiếu những nhà quản lý, chuyên gia và lao động kỹ thuật có trình độ cao, nên chủ trương của Đảng và Nhà nước là tuyển dụng những người lao động nước ngoài thuộc đối tượng là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật để nâng cao chất lượng lao động Việt Nam, đồng thời góp phần đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nền kinh tế đất nước. Vì vậy nếu đối tượng người nước ngoài không phải là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật thì sẽ không được cấp giấy phép lao động tại Việt Nam. Xem tham khảo thêm Thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại đây
4. Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài
Đây là yêu cầu chung, bắt buộc để tránh gây thiệt hại đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức/doanh nghiệp, thậm chí là tính mạng của con người.
Nếu người nước ngoài được xác định là phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật nước ngoài thì không được cấp giấy phép lao động.
5. Được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng người lao động nước ngoài
Tổ chức/ doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài sẽ làm văn bản giải trình gửi đến Ủy ban Nhân dân tỉnh/ thành phố nơi tổ chức/ doanh nghiệp đặt trụ sở. Trên cơ sở này, UBND tỉnh/ thành phố ban hành văn bản chấp thuận về vị trí, công việc… sử dụng người lao động nước ngoài.
Văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng người lao động nước ngoài là một mẫu trong bộ hồ sơ làm giấy phép của người nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam. Không có văn bản này, người lao động nước ngoài sẽ không được cấp giấy phép lao động.
Như vậy, người nước ngoài muốn làm việc hợp pháp tại Việt Nam phải đảm bảo 5 điều kiện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thiếu 1 trong 5 điều kiện trên thì người nước ngoài sẽ không được cấp giấy phép lao động.