-Những cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam được thực hiện thế nào, thưa ông?
–Đại tá Lê Xuân Viên: Đối với công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Cục QLXNC đã thực hiện hàng loạt cải cách thủ tục hành chính, như:
-Thực hiện việc bỏ tờ khai nhập cảnh. Người nước ngoài không phải kê khai bất cứ giấy tờ thủ tục gì khi nhập cảnh Việt Nam.
-Thời hạn xét duyệt cho người nước ngoài nhập cảnh không quá 5 ngày.
-Thị thực Việt Nam trước đây không quá 12 tháng, nay nâng thời hạn thị thực lên 5 năm (tùy theo mục đích nhập cảnh).
-Nâng hạng thị thực du lịch lên 3 tháng, nếu có tour ở nước lân cận và quay trở lại Việt Nam thì được cấp thị thực nhiều lần.
-Nâng thời hạn thẻ tạm trú từ 3 năm lên 5 năm nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, du học sinh người nước ngoài.
-Tạo điều kiện cấp thị thực, thẻ tạm trú 2 năm cho lao động người nước ngoài (đây là quy định mới, trước đây không có).
-Nâng thời hạn tạm trú tại khu kinh tế cửa khẩu từ 7 ngày lên 15 ngày và vào khu hành chính – kinh tế đặc biệt từ 15 ngày lên 30 ngày. Người nước ngoài nhập cảnh vào huyện đảo Phú Quốc được miễn thị thực 30 ngày (từ đầu năm 2015 đến nay đã có 5.783 lượt khách).
-Nâng thời hạn thẻ thường trú của người nước ngoài lên 10 năm thay vì 3 năm như trước đây và thời gian xét cho phép thường trú giảm xuống còn 4 tháng so với quy định 6 tháng như trước đây; hồ sơ chỉ phải khai 1 bộ nộp ở công an tỉnh, thành phố nơi người nước ngoài xin thường trú.
-Mở rộng diện cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế cho các trường hợp:
Xuất phát từ nước không có cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam.
Trước khi đến Việt Nam đã đi qua nhiều nước.
Vào Việt Nam tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế Việt Nam tổ chức.
Thuyền viên nước ngoài đang ở trên tàu neo đậu tại cảng biển Việt Nam có nhu cầu xuất cảnh qua cửa khẩu khác.
Vào dự tang lễ của người thân hoặc thăm thân nhân đang ốm nặng.
Vào Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp (khắc phục sự cố kỹ thuật, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc lý do đặc biệt khác theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam).
-Cấp giấy miễn thị thực 5 năm cho người Việt Nam đang còn ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam đang còn ở nước ngoài hoặc công dân Việt Nam. Nâng thời hạn được phép lưu trú tại Việt Nam từ 90 ngày lên 180 ngày.
-Mở rộng diện người nước ngoài được miễn thị thực, hiện Việt Nam đã đơn phương miễn thị thực cho công dân sử dụng hộ chiếu phổ thông của 13 nước và ký hiệu định miễn thị thực song phương với 79 quốc gia (trong đó có 10 nước miễn thị thực cho công dân Việt Nam mang hộ chiếu phổ thông là 9 nước ASEAN và Kyrgizstan).
-Người nước ngoài đến Việt Nam không phải khai bảo lưu trú, mà trách nhiệm khai báo tạm trú là chủ cơ sở cho người nước ngoài lưu trú phải trực tiếp khai báo lưu trú cho người nước ngoài tại công an phường, xã.
-Đối với trường hợp người nước ngoài nhập cảnh theo điện đơn phương miễn thị thực, nếu xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 30 ngày, nay có nhu cầu quay trở lại Việt Nam thì được cấp thị thực tại cửa khẩu với thời hạn không quá 15 ngày.
-Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam có những quyền sau: được bảo lãnh ông bà, cha mẹ vợ chồng, con vào thăm; được bảo lãnh vợ, chồng, con dưới 18 tuổi ở cùng thời hạn với thẻ tạm trú của người nước ngoài đó.
-Người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam có nhu cầu xuất cảnh được xem xét cấp giấy tờ đi lại quốc tế.
Đón tiếp niềm nở, phục vụ tận tình
-Thưa ông, công tác tiếp nhận hồ sơ tại trụ sở cơ quan Cục và kiểm soát xuất cảnh tại các sân bay quốc tế như thế nào?
–Đại tá Lê Xuân Viên: Cục QLXNC đã thực hiện nhiều cải cách trong công tác tiếp công dân, để tạo thuận lợi tối đa cho người muốn xuất nhập cảnh, cụ thể là:
-Thực hiện lấy số thứ tự và loa gọi số tự động ở các quầy tiếp nhận và trả kết quả tại khu vực tiếp dân của Cục, niêm yết các biểu mẫu thông tin công khai, bảng hướng dẫn khai tờ khai chi tiết, rõ ràng.
-Có phòng hướng dẫn thủ tục, phát tờ khai miễn phí cho người dân, tổ chức chụp ảnh tại khu vực tiếp dân cho người có nhu cầu; bố trí lãnh đạo trực chỉ huy khu vực tiếp dân, kịp thời tiếp nhận và xử lý các tình huống phát sinh.
-Khu vực tiếp dân được trang bị máy lạnh, nước uống và nhà vệ sinh sạch sẽ cho người dân khi đến làm thủ tục.
-Hệ thống website của Cục QLXCN (www.vnimm.gov.vn) đăng tải các thông tin hướng dẫn thủ tục xuất nhập cảnh cụ thể, hệ thống biểu mẫu đầy đủ, thông tin liên hệ, lệ phí và các thông tin khác phục vụ người dân cũng thường xuyên được cập nhật.
Ngoài ra, công tác kiểm soát nhập xuất cảnh tại cửa khẩu quốc tế đường hàng không cũng đạt được nhiều tiến bộ trong cải cách thủ tục hành chính:
-Tổ chức lực lượng cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ xuất nhập cảnh đủ về số lượng và chất lượng để thực hiện công tác kiểm soát tại các cửa khẩu quổc tế.
-Áp dụng hệ thống autoeate cho nhân viên tổ bay và phi hành đoàn, góp phần giảm tải tại các cổng kiểm soát.
-Việc giải quyết thủ tục cho hành khách xuất nhập cảnh đảm bảo nhanh chóng, trung bình chỉ mất từ 1 đến 3 phút cho 1 hành khách tại cửa kiểm soát xuất nhập (nhanh hơn nhiều nước trong khu vực).
-Ông có thể đưa ra vài đánh giá về hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính của CụcQLXNC?
–Đại tá Lê Xuân Viên: Nhiều năm qua, thực hiện Đề án 30 của Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Công an và Tổng cục An ninh, Cục QLXNC đã thực hiện nhiều cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý công dân Việt Nam xuất nhập cảnh; công tác quản lý người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và hoạt động tại Việt Nam. Cục QLXNC đã nghiên cứu đề xuất điều chỉnh quy trình công tác, đơn giản hóa các biểu mẫu, thủ tục nhằm mục tiêu rút ngắn thời gian cho người dân, được dư luận đồng tình ủng hộ. Đặc biệt, Luật số 47 về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ 1.1.2015 là một bước tiến trong vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực xuất nhập cảnh; quy định rõ ràng và có thể áp dụng ngay mà không cần văn bản dưới luật hướng dẫn.
Có thể nói, lực lượng quản lý xuất nhập cảnh đã luôn không ngừng nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp nhằm thực hiện cải cách thủ tục hành chính, luôn lấy sự hài lòng của người dân làm động lực để phấn đấu và làm việc.
-Xin cảm ơn ông.
Một Thế Giới (thực hiện)