Home Văn bản pháp luật Bộ Luật Lao động 2019 có những quy định mới về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Bộ Luật Lao động 2019 có những quy định mới về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Trong quá trình quản lý người lao động Việt Nam, lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, và theo dõi tình hình thực tế người lao động nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như quá trình sử dụng người lao động nước ngoài so với tình hình, điều kiện thực tế của đất nước, Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 đã ban hành Bộ Luật Lao động 2019 ngày 20 tháng 11 năm 2019. Và để hiểu rõ sự điều chỉnh, bổ sung của Bộ Luật Lao động 2019 so với Bộ Luật Lao động 2014 thì chúng ta hãy dành vài phút để tìm hiểu vấn đề này nhé.

điểm mới của bộ luật lao động 2019

Điểm mới trong Bộ Luật Lao động 2019 về người lao động nước ngoài tại Việt Nam

Ngoài việc sửa đổi các quy định về lao động người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Luật Lao động 2019 cũng bổ sung thêm một vài quy định mới, cụ thể:

– Thứ nhất, thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

– Thứ hai, nhà thầu trước khi tuyển và sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải kê khai cụ thể các vị trí công việc, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm làm việc, thời gian làm việc cần sử dụng lao động nước ngoài để thực hiện gói thầu và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Thứ ba, bổ sung thêm trường hợp người lao động nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam sẽ không thuộc diện cấp giấy phép lao động. (Đối với trường hợp người nước ngoài là học sinh, sinh viên làm việc tại Việt Nam lại không được nhắc đến trong quy định các đối tượng không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định mới).

– Thứ tư, thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 02 năm, trường hợp gia hạn thì chỉ được gia hạn một lần với thời hạn tối đa là 02 năm. Điều đó có nghĩa là người nước ngoài chỉ được làm việc ở Việt Nam với thời hạn tối đa 04 năm.

– Thứ năm, bổ sung thêm trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực là trường hợp người lao động nước ngoài làm việc không đúng với nội dung trong giấy phép lao động đã được cấp.

Tổng quan Bộ Luật Lao động 2019

Bộ luật Lao động 2019 là bộ luật mới nhất quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động.

Bộ Luật Lao động 2019 gồm 17 chương, 220 điều, cụ thể:

– Chương 1: Những quy định chung

– Chương 2: Việc làm, tuyển dụng và quản lý lao động

– Chương 3: Hợp đồng lao động

– Chương 4: Giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề

– Chương 5: Đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể

– Chương 6: Tiền lương

– Chương 7: Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

– Chương 8: Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất

– Chương 9: An toàn, vệ sinh lao động

– Chương 10: Những quy định riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới

– Chương 11: Những quy định riêng đối với lao động chưa thành niên và một số lao động khác

– Chương 12: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

– Chương 13: Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở

– Chương 14: Giải quyết tranh chấp lao động

– Chương 15: Quản lý nhà nước về lao động

– Chương 16: Thanh tra lao động, xử lý vi phạm pháp luật về lao động

– Chương 17: Điều khoản thi hành

Hiệu lực thi hành các quy định mới về lao động nước ngoài theo Bộ Luật Lao động 2019

Theo điều 220 Bộ Luật Lao động 2019 thì các quy định mới về lao động và lao động nước ngoài sẽ được chính thức áp dụng từ ngày 01/01/2021. Và kể từ ngày Bộ Luật này có hiệu lực thi hành thì hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận hợp pháp đã giao kết có nội dung không trái hoặc bảo đảm cho người lao động có quyền và điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của Bộ luật này được tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung để phù hợp và để áp dụng quy định của Bộ luật này.

Để xem đầy đủ và chi tiết việc sửa đổi, bổ sung các quy định mới về lao động, lao động nước ngoài tại Việt Nam, cũng như các điều khoản khác của Bộ Luật Lao động 2019 thì các bạn hãy truy cập trang web của công ty PNVT chúng tôi nhé, click tại đây.