Home Tin tức Giải quyết thông tin lý lịch tư pháp còn tồn động

Giải quyết thông tin lý lịch tư pháp còn tồn động

Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp phải thường xuyên được cập nhật, tích hợp để sử dụng, khai thác phục vụ hoạt động cấp phiếu lý lịch tư pháp. Tuy nhiên hiện nay tình trạng thông tin tồn đọng với số lượng khá lớn, cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp chưa đầy đủ, còn nhiều sai sót khiến cho việc cấp phiếu lý lịch tư pháp thiếu chính xác, sai lệch, không đảm bảo chất lượng và hiệu quả công tác. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì? Giải pháp nào giúp giải quyết vấn đề này?

Giải quyết thông tin lý lịch tư pháp còn tồn động

Thực tế, trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, kiểm tra, phân loại được 105.423 thông tin, cập nhật 66.000 bản lý lịch tư pháp; phối hợp với Bộ Công an hỗ trợ 44 Sở Tư pháp tra cứu, xác minh thông tin án tích cho 53.852 hồ sơ. Riêng các Sở Tư pháp đã cấp được 263.122 phiếu lý lịch tư pháp và Trung tâm Lý lịch Tư pháp quốc gia cấp 1.668 phiếu lý lịch tư pháp. Song vẫn còn rất nhiều thông tin lý lịch tư pháp chưa được xử lý, cập nhật vào cơ sờ dữ liệu. Đây là một bài toán cần phải được giải quyết.

Việc tồn đọng trong việc xử lý thông tin lý lịch tư pháp xuất phát từ quy trình xử lý dưới dạng văn bản giấy gây nên sự chậm trễ, sai lệch thông tin. Bên cạnh đó việc triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp qua mạng trực tuyến dịch vụ công ở mức độ 3 và 4 chưa thật sự thực hiện tốt. Một số Sở Tư pháp chưa chủ động và tăng cường khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu tại sở, để phục vụ công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp, dẫn đến tình trạng quá hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp ở nhiều nơi.

Một nguyên nhân khác nữa là việc tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp còn phụ thuộc nhiều vào cơ quan Công an và Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia. Còn việc khai thác thông tin tại chỗ thì còn nhiều hạn chế. Việc lập phiếu lý lịch tư pháp còn chậm do thông tin gửi từ tòa án còn thiếu, số lượng thông tin cần bổ sung nhiều; công tác rà soát, đối chiếu thông tin lý lịch tư pháp đã tiếp nhận còn chưa đầy đủ và kịp thời… Như vậy, cở sở dữ liệu lý lịch tư pháp chưa đảm bảo chất lượng, số lượng thông tin nên chưa phát huy hết vị trí, vai trò của mình. Vì vậy, để nâng cao chất lượng công tác quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp thì chúng ta cần:

– Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật lý lịch tư pháp về quản lý, xây dựng, khai thác cơ sở dữ liệu, đảm bảo đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

– Bộ Tư pháp cần tăng cường phối hợp với Bộ Công an để giải quyết triệt để tình trạng quá hạn trong cấp phiếu lý lịch tư pháp;

– Duy trì và nâng cao hiệu quả giải pháp “kiềng 3 chân” trong giải quyết cấp phiếu lý lịch tư pháp ngoại tỉnh và nước ngoài. Cần nêu rõ lý do để tránh khiếu kiện của người dân đối với trường hợp chậm trả kết quả xác minh.

– Ngoài ra cần đề xuất phân cấp cho ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận và trả phiếu lý lịch tư pháp số 1, còn phiếu số 2 vẫn thuộc thẩm quyền của Sở Tư pháp.

– Đặc biệt cần tăng cường xử lý, tích hợp thông tin vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, bảo đảm thông tin đầy đủ, chính xác và nhanh chóng.

Theo kế hoạch công tác năm 2018, Bộ Tư pháp sẽ triển khai xây dựng đề án xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử trên cơ sở sử dụng phần mềm tự động hóa công tác xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Phầm mềm này sẽ hỗ trợ cho các Sở Tư pháp trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp một cách tối ưu nhất. Đặc biệt, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp và Bộ Công an sẽ có văn bản hướng dẫn Sở Tư pháp và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện quy chế phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp phiếu lý lịch tư pháp hiệu quả và toàn diện.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.