Home Tin tức Không chỉ là “rào cản” 400 giấy phép con

Không chỉ là “rào cản” 400 giấy phép con

(HQ Online)- Theo ông Đỗ Nhất Hoàng-Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có khoảng 400 giấy phép con các loại, khoảng 368 ngành nghề đầu tư có điều kiện và còn một khoảng cách lớn giữa các quy định pháp luật và thực thi chính sách.

Tại buổi Tọa đàm “Giải pháp tăng cường chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” được tổ chức sáng nay 1-8 tại Hà Nội, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang và sẽ thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết thực trạng trên, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.

Đưa ra mô hình quản lý đầu tư nước ngoài (FDI) hiện có của Việt Nam như hình chiếc phễu úp (cấp phép khá khó khăn, sau cấp phép thì phình ra do quản lý dễ dàng) trong khi xu hướng mô hình thế giới thì ngược lại (phần cấp phép rộng còn sau cấp phép gọn lại do những chế tài quản lý chặt chẽ để quản lý chất lượng vốn FDI), ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Việt Nam cần đi theo mô hình xu thế của thế giới. Tuy nhiên, quản lý đầu tư nước ngoài của Việt Nam còn phụ thuộc vào hai yếu tố, đó là công cụ hỗ trợ, quản lý và năng lực thực thi của bộ máy.

Cũng theo đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, hiện môi trường kinh doanh của Việt Nam có khoảng 400 giấy phép con các loại, trong đó 121 loại giấy phép kinh doanh, 84 loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, 34 chứng chỉ hành nghề, 12 loại xác nhận vốn pháp định, 133 loại chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền và 17 các yêu cầu khác. Ngoài ra còn có khoảng 368 ngành nghề đầu tư có điều kiện.

Theo ông Hoàng, rào cản cho hoạt động đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam còn là hệ thống pháp luật, chính sách về đầu tư kinh doanh chồng chéo, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, chính sách về công nghiệp hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn, một số quy định hiện hành chưa phù hợp như chính sách ưu đãi đầu tư, quy định về quản lý lao động, chuyển giao công nghệ…

Do đó, giải pháp cho vấn đề này trong thời gian tới, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, đó là tiếp tục sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan, đẩy nhanh tốc độ cải cách thủ tục hành chính, rà soát để loại bỏ giấy phép con và giảm số lượng lĩnh vực đầu tư, kinh doanh có điều kiện… Hiện nay, trong chương trình phát triển, kế hoạch, chiến lược nào cũng nói đến vấn đề của công nghiệp phụ trợ nhưng làm như thế nào thì chưa rõ.

“Nhiều doanh nghiệp đến gặp tôi hỏi muốn kết nối với doanh nghiệp Nhật Bản nhưng vấn đề là nếu doanh nghiệp không tự mình nâng cao trình độ, chuẩn bị cho những cơ hội thì sẽ khó để tham gia trong chuỗi công nghiệp hỗ trợ. Do đó chính doanh nghiệp cần suy nghĩ bước đi, chuẩn bị sẵn để cùng tham gia chuỗi công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp nước ngoài”- ông Đỗ Nhất Hoàng nói.

Theo Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng, đây chính là một trong những công việc mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải thực hiện để sẵn sàng tham gia vào chuỗi công nghiệp hỗ trợ.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần thực hiện một số việc như chủ động cung cấp hồ sơ giới thiệu về doanh nghiệp để quảng bá với đối tác, tăng cường các hoạt động giao lưu, tiếp xúc thông qua các cơ quan, tổ chức về xúc tiến đầu tư, hội nghị, hội thảo, tham gia các website về xúc tiến đầu tư để tìm kiếm đối tác đầu tư, kinh doanh.

An Tư
5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.