Home Tin tức Ngành du lịch Việt cần tạo đột phá

Ngành du lịch Việt cần tạo đột phá

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm liên tục trong 13 tháng qua đang đặt ngành này trước nhu cầu cần phải có một cuộc đại phẫu trong thời gian tới.

6 “nỗi sợ” của du khách

Mới đây, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã lý giải phần nào những nguyên nhân khiến ngành du lịch nước nhà luôn ì ạch trong thời gian vừa qua. Phó Thủ tướng cho rằng, khách quốc tế tới Việt Nam đã và đang phải đối mặt với 6 “nỗi sợ” chính. Thứ nhất là tình trạng làm giá, chặt chém, thứ 2 là vấn đề giao thông, thứ 3 là ăn xin, ăn cắp vặt còn quá nhiều, thứ 4 là thực phẩm chưa đảm bảo an toàn vệ sinh, thứ 5 là vấn đề ô nhiễm môi trường và sau cùng là Việt Nam còn tồn tại một bộ phận người dân chưa tôn trọng du khách trong vấn đề mua bán hàng hóa.

Trong 6 nguyên nhân kể trên, có lẽ 2 nguyên nhân đang gây ảnh hưởng tiêu cực nhất đến ngành du lịch trong nước là tình trạng làm giá, chặt chém và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cách đây không lâu, tại khu vực đường Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Huyền Trân Công Chúa thuộc quận 1, TP.HCM có hẳn đội quân khoảng 30 người chuyên bán dừa tươi cho du khách với giá “cắt cổ” từ 100.000 – 200.000 đồng/trái. Gần hơn vào ngày 1/7, cộng đồng mạng lan truyền tờ hóa đơn của một nhóm du khách người Trung Quốc khi ăn tối tại Nhà hàng Bình Hạ, Hải Phòng đã bị “chém” với 1,4 triệu đồng/kg tôm sú.

Về vệ sinh an toàn thực phẩm, đây là vấn đề đã tồn tại khá lâu nhưng cơ quan chức năng vẫn không thể có các giải pháp triệt để vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Trong khi đó, không ít các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đã và đang xem nặng tiêu chí lợi nhuận hơn vấn đề đảm bảo sức khỏe cho du khách.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trừ vấn đề giao thông là phải đồng bộ thì 5 vấn đề còn lại không cần chi nhiều tiền cũng có thể làm được. “Hội An, Đà Nẵng đã làm được tại sao những thành phố khác không làm được. Tại sao cứ đòi những thứ cao siêu mà những thứ tưởng như nhỏ bé này lại không làm?”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Visa – giải pháp trong tầm tay

Chị Thảo, Quản lý The Hideout Hostel Saigon tại đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. HCM nói với phóng viên là những tháng gần đây lượng khách quốc tế đến thuê phòng tại khu vực “phố Tây” giảm sút rõ rệt. Không ít trường hợp khách của chị thường thắc mắc về thủ tục Visa tại các cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu Tân Sơn Nhất và Nội Bài.

“Trong giấy ghi du khách chỉ tốn 45 USD cho phí Visa nhưng các nhân viên tại cửa khẩu lại thu đến 100 USD, du khách họ thắc mắc nhưng cũng không biết làm thế nào và những du khách nằm trong 5 quốc gia được miễn Visa từ ngày 1/7 vẫn bị thu phí tại cửa khẩu là 5 USD”, chị Thảo phản ánh.

Từ những bất cập này, các công ty lữ hành cho rằng, Chính phủ cần tạo điều kiện nhằm đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh như việc triển khai thực hiện lấy Visa trực tiếp tại cửa khẩu. “Nếu trước đây khách du lịch bằng tàu biển được xem là khách quá cảnh (chỉ dừng chân ở Việt Nam 1 ngày) thì nay đều phải khai báo nhập cảnh, với quá nhiều thủ tục vô hình trung đã tạo ra tâm lý e ngại đối với du khách. Với những khách đã đến Việt Nam một lần rồi thì nên miễn hoặc tạo điều kiện cho họ lấy Visa tại chỗ”, ông Vũ Duy Vũ thuộc Saigon Tourist, chia sẻ.

Miễn Visa hiện được xem là một trong những giải pháp hàng đầu giúp một quốc gia thu hút du khách, tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa tận dụng được lợi thế này.

Số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam những năm qua luôn sụt giảm. Năm 2010, Việt Nam đón 2,1 triệu lượt khách quốc tế, năm 2014 là 7,8 triệu lượt khách, nhưng trong nửa đầu năm nay chỉ có khoảng 3 triệu lượt, giảm 11,3% so với cùng kỳ 2014. Trong khi đó, một số nước láng giềng như Lào, Campuchia lại có tốc độ tăng trưởng khá nhanh. Năm 2010, Lào mới chỉ có hơn 737.000 lượt khách quốc tế, Campuchia đón khoảng 466.000 lượt khách thì đến năm 2014, con số này đã tăng lên lần lượt là hơn 4,1 triệu và 4,5 triệu lượt. Một trong những nguyên nhân chính cho tình trạng sụt giảm du khách chính là rào cản Visa.

Việt Nam hiện đã miễn Visa đối với 16 quốc gia bao gồm 9 nước trong ASEAN (Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Brunei, Myanmar, Philippines) , 4 nước Bắc Âu (Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan), 3 nước khác là Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên Bang Nga. Từ 1/7, công dân đến từ Ý, Đức, Tây Ban Nha, Anh và Pháp được miễn Visa với thời hạn lưu trú không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Nhưng con số này vẫn khá khiêm tốn so với Singapore (miễn Visa cho 158 nước), Philippines (157 nước), Malaysia (155 nước), Thái Lan (55 nước)…

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.