Home Văn bản pháp luật Văn bản pháp luật về cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam

Văn bản pháp luật về cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam

Nghị định 58-CP năm 1996 về cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
********

Số: 58-CP

Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 1996

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 58-CP NGÀY 3 THÁNG 10 NĂM 1996 VỀ CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI CÁC DOANH NGHIỆP, TỔ CHỨC Ở VIỆT NAM

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ luật lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.-

1. Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 133 và khoản 2 Điều 184 của Bộ Luật Lao động là người không có quốc tịch Việt Nam theo Luật Quốc tịch Việt Nam.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào làm việc cho các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam cũng phải có giấy phép lao động theo quy định của Nghị định này.

Điều 2.- Doanh nghiệp, tổ chức (sau đây gọi chung là người sử dụng lao động) được sử dụng lao động là người nước ngoài bao gồm những đơn vị được thành lập theo pháp luật và có tư cách pháp nhân sau đây:

1. Doanh nghiệp Nhà nước;

2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp.

3. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác;

4. Đơn vị sự nghiệp hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế;

5. Các tổ chức kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan hành chính Nhà nước, lực lượng vũ trang, đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội khác.

Điều 3.- Nghị định này không áp dụng đối với:

1. Người nước ngoài làm việc cho các cơ quan hành chính Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội của Việt Nam, cho cá nhân người Việt Nam.

2. Người nước ngoài là thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), Phó giám đốc (Phó tổng giám đốc) các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

3. Người nước ngoài làm việc cho các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, các Văn phòng đại diện của các tổ chức kinh tế, văn hoá, thông tin, giáo dục và khoa học của nước ngoài tại Việt Nam;

4. Người nước ngoài được sử dụng lao động quy định tại Điều 2 của Nghị định này thuê để xử lý khó khăn trong những trường hợp khẩn cấp;

5. Người nước ngoài định cư tại Việt Nam , học sinh, sinh viên nước ngoài đang học tại Việt Nam.

Điều 4.- Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam và được pháp luật lao động Việt Nam bảo vệ, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

Chương 2:

ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC TUYỂN, CẤP GIẤY PHÉP CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM

Điều 5.-

1. Người sử dụng lao động được tuyển dụng người nước ngoài làm việc khi có công việc đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao hoặc công việc quản lý mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được, đồng thời phải có kế hoạch đào tạo người Việt Nam thay thế người nước ngoài.

2. Thời hạn sử dụng lao động là người nước ngoài tối đa không quá 3 năm.

Điều 6.- Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài cần sử dụng lao động là người nước ngoài phải giải trình rõ nhu cầu này trong dự án đầu tư và phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư chấp thuận khi xét duyệt dự án. Trong quá trình thực hiện dự án, nếu cần tuyển thêm lao động là người nước ngoài thì phải giải trình nhu cầu với cơ quan đã xét duyệt dự án và được cơ quan này chấp thuận bằng văn bản.

Điều 7.

1. Doanh nghiệp, tổ chức trong nước cần sử dụng lao động là người nước ngoài phải làm đơn xin tuyển (trong đó giải trình rõ nhu cầu, nguồn trả lương và dự kiến mức lương, kế hoạch, thời hạn đào tạo, bồi dưỡng người Việt Nam thay thế) và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo quy định sau:

Đối với Tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước có hội đồng quản trị, đơn phải được sự chấp thuận của Chủ tịch Hội đồng quản trị;

Đối với doanh nghiệp Nhà nước khác, đơn phải được sự chấp thuận của Thủ trưởng cơ quan đã ra quyết định thành lập doanh nghiệp;

Đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các tổ chức kinh tế tập thể, đơn phải được sự chấp thuận của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Đối với các đơn vị sự nghiệp hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế, các tổ chức kinh doanh, dịch vụ trực thuộc cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, các đoàn thể nhân dân hoặc tổ chức chính trị xã hội khác, đơn phải được sự chấp thuận của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức đã ra quyết định thành lập.

2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn xin tuyển lao động là người nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời về việc chấp thuận hay không chấp thuận cho tuyển người nước ngoài.

Điều 8. Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Đủ 18 tuổi trở lên;

2. Có trình độ chuyên môn, tay nghề và sức khoẻ phù hợp với yêu cầu công việc theo quy định tại Điều 5 Nghị định này;

3. Không có tiền án, tiền sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật Việt Nam, không có tiền án tiền sự về tội hình sự khác hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình phạt, chưa được xoá án theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài.

Điều 9.- Người nước ngoài vào làm việc ở Việt Nam phải được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nội vụ xác nhận đủ điều kiện quy định tại điểm 3 Điều 8 của Nghị định này.

Điều 10.- Người sử dụng lao động tuyển dụng người Việt Nam định cư ở nước ngoài có đủ điều kiện quy định tại Điều 8 của Nghị định này thì được đăng ký trực tiếp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để được cấp giấy phép, không phải qua các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt như quy định tại Điều 6, Điều 7 của Nghị định này.

Điều 11.-

1. Sau khi tuyển và ký kết lao động, người sử dụng lao động phải gửi ba bộ hồ sơ tới Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để xin cấp giấy phép lao động. Mỗi bộ hồ sơ gồm có:

a) Các giấy tờ của người sử dụng lao động:

Đơn xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài theo mẫu do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định;

Văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép tuyển người nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại Điều 10 Nghị định này.

Bản sao giấy phép thành lập và hoạt động của người sử dụng lao động.

b) Các giấy tờ của người nước ngoài gồm:

Đơn xin cấp giấy phép lao động tại Việt Nam theo mẫu do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định;

Bản sao hợp đồng lao động đã ký kết với người sử dụng lao động;

Bản sao chứng chỉ về trình độ chuyên môn, tay nghề;

Giấy chứng nhận sức khoẻ của cơ quan y tế của Việt Nam hoặc của nước mà người đó là công dân, hoặc nước mà người đó cư trú cuối cùng nếu là người không có quốc tịch;

Sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân, hoặc nước mà người đó cư trú cuối cùng nếu là người không có quốc tịch;

Ba ảnh 3 x 4.

2. Các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này được lập và chứng nhận ở nước ngoài phải được hợp pháp hoá lãnh sự và dịch ra tiếng Việt; bản dịch, bản sao phải được cơ quan công chứng Nhà nước của Việt Nam chứng nhận.

Điều 12.-

1. Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phải phối hợp với cơ quan hữu quan xem xét và trả lời cho đương sự. Trong trường hợp không cấp giấy phép phải nói rõ lý do.

2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam với thời hạn từ 3 tháng trở lên thì Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấp giấy phép lao động. Bộ có thể uỷ quyền cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội có đủ điều kiện.

3. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam với thời hạn dưới 3 tháng thì Bộ Lao động Thương binh và Xã hội uỷ quyền cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép.

Điều 13.-

1. Giấy phép lao động được cấp theo thời hạn của hợp đồng lao động đã ký kết.

2. Trường hợp cần thiết, người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài có thể thoả thuận gia hạn hợp đồng đã ký kết nhưng chỉ được gia hạn thêm một lần, thời gian gia hạn không dài hơn thời hạn của hợp đồng lao động đã ký kết và tổng số thời hạn, kể cả gia hạn, không qua 3 năm. Trong trường hợp này người sử dụng lao động phải làm đơn xin gia hạn giấy phép lao động, kèm theo bản giải trình, bản sao hợp đồng lao động đã gia hạn và giấy phép lao động đã được cấp gửi cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chậm nhất là 30 ngày, trước ngày hợp đồng lao động cũ hết hạn.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phải trả lời cho đương sự về việc gia hạn giấy phép lao động.

3. Người nước ngoài làm việc có thời hạn dưới 3 tháng theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định này đều có nhu cầu gia hạn hợp đồng lao động thì cũng tuân theo quy định tại khoản 2 của Điều này.

Điều 14. Giấy phép lao động hết hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

1. Giấy phép lao động hết thời hạn;

2. Hợp đồng lao động chấm dứt trước thời hạn;

3. Giấy phép lao động bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi do vi phạm pháp luật Việt Nam;

4. Doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động chấm dứt hoạt động do giải thể, phá sản, bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh, giấy phép kinh doanh hết thời hạn, hoặc chủ doanh nghiệp rút giấy phép kinh doanh;

5. Hiệp định hợp tác lao động, hợp đồng đầu tư hết hiệu lực.

Điều 15.- Người được cấp giấy phép lao động phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính quy định mức lệ phí, việc thu và sử dụng lệ phí cấp giấy phép lao động.

Chương 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16.- Tổ chức, cá nhân nào có hành vi vi phạm những quy định của Bộ Luật lao động và Nghị định này, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành và thống nhất quản lý giấy phép lao động.

Điều 18.- Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký.

Bãi bỏ quy định về việc cấp thẻ lao động cho người nước ngoài làm việc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo Quy chế lao động đối với các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ban hành kèm theo Nghị định 233/HĐBT ngày 22/6/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và các quy định khác trái với Nghị định này.

Điều 19.- Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, người sử dụng lao động và người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này nếu chưa có giấy phép lao động (trừ những người đã được cấp thẻ lao động trước ngày ban hành Nghị định này mà thẻ lao động chưa hết thời hạn) phải làm thủ tục cấp giấy phép lao động theo quy định của Nghị định này.

Điều 20.- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 21. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.