Home Tin tức Xin visa vào Hoa Kỳ: Đừng tin những lời hão huyền

Xin visa vào Hoa Kỳ: Đừng tin những lời hão huyền

(CATP) Mỗi ngày trước cổng Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.Hồ Chí Minh (P. Bến Nghé, quận 1) luôn đón nhận hàng trăm người dân đến từ các tỉnh phía nam để xin visa (thị thực). Nhiều “cò”  qua lại thăn thoắt trên con đường này để “tiếp nhận” khách, làm đại lộ Lê Duẩn thêm phần náo nhiệt.

 

Xin visa vào Hoa Kỳ: Đừng tin những lời hão huyền
Ngồi bệt chờ tới giờ

ĐỦ LÝ DO XUẤT NGOẠI

Những người đến đây chủ yếu xin visa nhập cảnh vào Hoa Kỳ để đi học, du lịch, trị bệnh, thăm thân nhân… Khác với trước đây nhiều người phải tới đợi chờ từ 2 – 3 giờ sáng thì nay họ đã được thông báo cứ thoải mái tới chờ, vì 8 giờ sáng nhân viên tổng lãnh sự mới làm việc. Cứ thấy khách dừng xe máy đối diện địa chỉ trên thì họ được “đội quân” buôn bán mời chào vào ngồi uống cà phê, ăn sáng. Nhiều người ngồi bệt trên một cái thảm nhựa mà người bán bố trí, mắt đau đáu nhìn sang phía bên kia đường chờ động tĩnh.

Khuôn mặt đầy lo lắng, ông Trần Thanh Phong (50 tuổi, ngụ Tây Ninh) kể, ông bán được vài hécta đất, nghe nói đi du học ở Mỹ sẽ tốt nên dẫn con trai lên Sài thành “để tìm đường sang Mỹ”. Đây là lần đầu tiên ông tới lãnh sự quán, nên nghe ai nói gì ông cũng làm theo vì “mình có biết gì đâu”. Sau khi tìm thông tin trên mạng, ông Phong gửi bộ hồ sơ cho lãnh sự quán và được mời đến phỏng vấn thay con.

Ngồi cạnh ông Phong, chị Trần Thị Mỹ Hiền (35 tuổi, trú quận 2, TP.Hồ Chí Minh) rầu rĩ: “Tôi đã hai lần bị rớt khi xin visa đi khám bệnh. Lần đầu gặp ông Tây da đen phỏng vấn phải qua phiên dịch. Họ hỏi tôi qua đó làm gì? Tại sao phải qua tận Mỹ? Lần đó tôi rớt. Lần thứ hai tôi gặp một người phỏng vấn nói tiếng Việt. Họ hỏi tôi có chồng chưa? Tại sao lại thích sang Hoa Kỳ? Sau đó tôi vẫn bị rớt. Lần này thì tôi cố gắng lắm, nhưng hổng biết sao”. Theo lời nhiều người thì các cô gái trẻ đẹp, chưa chồng rất dễ bị đánh rớt vì họ sợ các cô này sang Mỹ lấy chồng, làm thẻ xanh rồi ở lại bên đó luôn.

Bà Thanh – chủ một quán cà phê cóc ở giao lộ Lê Duẩn – Lê Văn Hưu nói: “Ở đây là một xã hội thu nhỏ, có cả từ người giàu đến nghèo. Hễ thấy ai phỏng vấn xong bước qua đường nhanh chóng, tự tin thì chắc chắn họ đã đậu, còn ai đi cúi đầu, khuôn mặt đượm buồn thì chắc chắn là rớt rồi”.

Tám giờ sáng, cổng Tổng lãnh sự quán mở cửa, nhân viên bảo vệ trong bộ đồng phục xuất hiện ngày càng nhiều. Dòng người đi phỏng vấn chia làm hai nhánh, một nhánh “di dân” và một nhánh “không di dân”. Họ phải để lại các thiết bị điện tử như điện thoại, laptop, iPad… và đợi lấy số thứ tự vào các ô để gặp người phỏng vấn. Thường thì tại các ô phỏng vấn luôn có hai người, một người Mỹ luôn đứng, còn người phiên dịch thường hay ngồi. Nếu ứng viên biết tiếng Anh thì trao đổi trực tiếp. Chừng vài phút, người phỏng vấn gọi điện thoại bàn để trao đổi với một viên chức lãnh sự.

Sau đó họ mới thông báo kết quả phỏng vấn là đậu hay rớt. Khi rời khỏi nơi phỏng vấn, ứng viên sẽ tới một khu vực phát chuyển nhanh (hãng DHL) đóng tiền, để được chuyển hồ sơ kết quả về tận nhà (hay cơ quan, công ty ghi trong hồ sơ). Có trường hợp đôi vợ chồng già xin visa sang Mỹ thăm con, nhưng người phỏng vấn tuyên bố họ sẽ không còn cơ hội sang Mỹ. Lý do là lần đi năm ngoái, họ đã ở thêm một tháng, vi phạm hạn định cho phép. Thông thường thì xin visa có nhiều loại, từ ba tháng đến một năm tùy theo mục đích ứng viên.

Anh Nguyễn Văn Bình (40 tuổi, phóng viên một tạp chí công nghệ tại TP.Hồ Chí Minh, người nhiều lần xin visa đi Mỹ) cho biết, ứng viên không nên tin vào những lời đồn đoán của dân ngoài đường, mà cứ tự tin vào kiểm tra. Khác với đi các nước châu Âu, xin visa đi Mỹ thì không cần phải trả lời câu hỏi về tài sản, 90% khả năng xin được visa hay không đã thể hiện trên hồ sơ gửi cho nhà chức trách trước đó, 10% còn lại là những câu hỏi hằng ngày. Thông thường thì xin visa đi du học, theo thư mời của công ty tại Mỹ, có visa từng đi các nước lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Anh… thì rất dễ được cấp.

QUÁN CÓC ĂN THEO

Đồng hành cùng người đi phỏng vấn là những người bán cà phê, giữ xe máy tại đây. Thấy khuôn mặt có vẻ ngơ ngác của chúng tôi, một chị khoảng 45 tuổi mời vào quán cóc ngồi chờ xin visa. Xe máy được để ngay ngắn trên vỉa hè do cháu trai của chị ta trông giữ.

Để tránh bị công an phường phát hiện, người bán để bàn ghế, chai cà phê pha sẵn trong một hốc của trụ điện ngầm. Khi có khách thì họ lấy ra bán. Giá mỗi ly cà phê đá là 15 – 20 nghìn đồng, tương đối cao so với các quán vỉa hè khác, vì họ biết rằng khách đến uống chủ yếu là người dư dả khi muốn sang Mỹ. Món ăn sáng ở đây có bánh mì, hủ tiếu được bà chủ quán cà phê cóc “thầu” luôn. Chỉ cần một cú điện thoại là có người mang đồ ăn đến. “Nhà tôi có cả mười người cùng tham gia bán cà phê, giữ xe ở đây. Bị đuổi hoài chú ơi, nhưng không biết làm nghề gì nên đành bám trụ vậy. Tôi phải huy động cả con cháu cùng tham gia” – chủ một quán cà phê nói.

Trước tòa nhà Đức đang xây cạnh “khu đất vàng”, cứ trông thấy ai rà thắng xe máy gần đó là đám thanh niên lạ hoắc lôi tuột họ vào quán cóc. Nhiều người đến xin visa tập trung trong một quán cà phê cóc y hệt phía bên kia đường. Họ ngồi bệt và tán gẫu chờ đến giờ. Riêng chủ quán nhác thấy bóng công an là cập rập chạy lấy ghế nhựa mang đi cất, nếu không muốn bị thu giữ. Khi công an dần xa, họ lại lấy ghế ra vỉa hè cho khách ngồi.

Cuối trưa, khi nắng lên cao, các quán cà phê cóc không còn ồn ào như lúc sáng. Người buôn bán về nhà nghỉ để chuẩn bị sáng mai ra đây thật sớm.

AN HÒA

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.