Tại hội thảo “Những cập nhật trong Bộ Luật Lao động và Luật Công đoàn (CĐ) – Những tác động đến hoạt động doanh nghiệp (DN)” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp với Công ty TNHH Nhân Việt tổ chức vào ngày 4-12, nhiều vấn đề liên quan đến lao động nước ngoài được đại biểu đề cập.
Đau đầu với giấy phép
Đại diện một DN ở KCX Linh Trung I (quận Thủ Đức, TP HCM) phản ánh cơ quan chức năng thường làm khó người lao động (NLĐ) và DN trong quá trình xác minh, làm thủ tục cấp phép. Theo quy định, thời hạn trả lý lịch tư pháp cho người nước ngoài từ 15 – 20 ngày. Dù hẹn trả trong vòng 20 ngày nhưng cơ quan tư pháp địa phương luôn viện cớ công an chưa xác minh hoặc trả lời “nước đôi” chứ không hẹn ngày trả cụ thể.
Chuyên gia người nước ngoài sinh hoạt cùng công nhân Công ty TNHH D.I Việt Nam, quận Thủ Đức, TP HCM
Bà Phó Nam Phượng, Giám đốc ITPC, cho biết ngoài việc khám sức khỏe theo danh mục, lao động nước ngoài còn phải đến khám ở địa điểm bắt buộc do Bộ Y tế quy định. Tuy nhiên, nhiều người nước ngoài mong muốn khám sức khỏe theo nhu cầu cá nhân. Bà Phượng dẫn chứng: “NLĐ Nhật Bản sang nước ta có nguyên tắc chỉ khám sức khỏe ở bệnh viện, phòng khám có bác sĩ người Nhật. Vì thế, họ nghĩ trước khi sang Việt Nam, chỉ cần khám sức khỏe ở Nhật là hoàn tất giấy tờ rồi”.
Theo ông Miki Yasufumi, đại diện Văn phòng Luật sư VILAF, thời gian ký hợp đồng lao động với người nước ngoài hiện là 3 năm. Song, thời hạn cấp phép lao động chỉ có 2 năm. Hai quy định trên có phần tréo nghoe làm tốn thời gian của NLĐ.
Tiến sĩ Hồ Xuân Dũng, Phó Tổng Giám đốc pháp chế – nhân sự của Công ty CP Quản lý bất động sản Windsor, cũng thắc mắc: “Do yêu cầu công việc, nhiều chuyên viên nước ngoài phải quay về công ty mẹ tập huấn, công tác… Vậy, sau khi trở lại Việt Nam, NLĐ có phải làm lại giấy phép không? Người nước ngoài kết hôn ở Việt Nam vẫn phải xin giấy phép lao động là có hợp lý không?”.
Ưu tiên lao động trong nước
Đại diện cơ quan chức năng nhìn nhận phản ánh của DN và NLĐ về những vướng mắc khi làm thủ tục cấp phép cho lao động nước ngoài là chính xác. Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, khẳng định: Chính phủ ưu ái lao động là người nước ngoài cống hiến, làm việc tại Việt Nam. “Song, trước khi quan tâm đến đối tượng lao động nói trên, nhà nước phải nghĩ đến quyền lợi của NLĐ trong nước. Việt Nam luôn chào đón lực lượng lao động nước ngoài có chuyên môn kỹ thuật cao, có khả năng phụ trách những công việc phức tạp mà lao động trong nước không thể đảm nhiệm. Tuy vậy, việc NLĐ nước ngoài vào Việt Nam làm công việc tương đối đơn giản vẫn diễn ra phổ biến. Tình trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm trong nước” – ông Huân thẳng thắn. Quy định giấy phép lao động chỉ có thời hạn 2 năm cũng nhằm mục đích bảo vệ việc làm trong nước. Năm 2015, Bộ LĐ-TB-XH sẽ có văn bản cụ thể bổ sung, điều chỉnh hợp lý một số quy định liên quan đến vấn đề trên để gỡ vướng cho DN, tạo điều kiện để người nước ngoài gắn bó với Việt Nam.
Bà Phó Nam Phượng cũng nhận xét hơn 1 năm áp dụng, nhiều văn bản và hướng dẫn cụ thể để triển khai, thi hành các điều khoản trong Bộ Luật Lao động sửa đổi, bổ sung vẫn còn một số trở ngại đối với người sử dụng lao động và NLĐ. Điển hình, từ năm 2013 đến nay, Sở LĐ-TB-XH TP HCM đã tiếp nhận và trả lời hơn 100 thắc mắc của DN liên quan đến pháp luật lao động thông qua hệ thống đối thoại của trung tâm. Bà Phượng cho biết: “DN và NLĐ mong cơ quan chức năng trực tiếp lắng nghe để tháo gỡ khó khăn của các bên. Qua đó, DN ổn định sản xuất, NLĐ yên tâm làm việc”.